Đầu năm gặp Vua Thỏ – Lê Hữu Tài

Đầu năm gặp Vua Thỏ

Trao đổi với chúng tôi về kỹ thuật nuôi thỏ theo phương pháp công nghiệp, ông Tài cho biết: Chuồng nuôi thỏ phải rộng rãi để thỏ xoay trở, không ảnh hưởng đến sức khỏe dễ quét dọn, vệ sinh thuận lợi khi cho ăn uống.

Nghề nuôi thỏ lấy thịt ở nước ta còn khá mới mẻ, lâu nay nhiều người chỉ nhằm mục đích tiêu khiển và tự túc với số lượng ít, trong phạm vi nhỏ hẹp. Khi nuôi người ta ít khi quan tâm đến kỹ thuật nuôi, nhất là nuôi đại trà theo dạng công nghiệp. Thời gian gần đây mới có một số ít gia đình tham gia đầu tư nuôi thỏ theo dạng công nghiệp để phát triển kinh tế gia đình.
Nổi tiếng trong nghề nuôi thỏ ở phía Nam phải kể đến ông Lê Hữu Tài, với nông trang Lê Hữu của ông ở cách ngã ba Dầu Giây thuộc huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai chừng ba cây số. Ông đã theo đuổi nghề nuôi thỏ công nghiệp nhiều năm (từ năm 1994). Thời gian đầu cũng gặp thất bại nhưng hiện giờ ông được xem như “vua thỏ”, có lẽ ông là người đầu tiên làm giàu từ nghề này. Hiện nay nông trang của ông có khoảng 1.000 con thỏ thịt, 300 thỏ giống. Mỗi tháng xuất chuồng 600 thỏ con và thỏ thịt, trừ chi phí ông còn lời từ 7 đến 10 triệu đồng/ tháng.
Nuôi thỏ theo phương pháp công nghiệp tuy còn mới mẻ đối với nhiều người, nhưng sẽ là một loại hình chăn nuôi mang lại lợi ích nguồn lợi cao, góp phần phát triển các mô hình làn giàu từ kinh tế VAC.
Theo ông Lê Hữu Tài, nuôi thỏ không khó, thức ăn cho thỏ chủ yếu là rau cỏ, lá cây, củ quả. Nó lại có chu kỳ sinh sản nhanh, ít bị bệnh, vòng quay nhanh, vốn đầu tư ban đầu không lớn lắm, sau ba tháng là có thể xuất chuồng thu hồi vốn được. Con giống chỉ mua một lần, sau đó cứ nhân dần lên nuôi với số lượng lớn. So với nuôi các loại gia cầm, gia súc khác, thì nuôi thỏ rất kinh tế, chuồng trại có thể tận dụng, trang bị chăn nuôi ít tốn kém. Có thể dùng tre nứa để đóng chuồng, chỗ nuôi có thể tận dụng đầu hè, chái nhà miễn là ban đêm ấm áp, ban ngày mát mẻ.
Trao đổi với chúng tôi về kỹ thuật nuôi thỏ theo phương pháp công nghiệp, ông Tài cho biết: Chuồng nuôi thỏ phải rộng rãi để thỏ xoay trở, không ảnh hưởng đến sức khỏe dễ quét dọn, vệ sinh thuận lợi khi cho ăn uống. Thông thường người ta làm chuồng hình chữ nhật cao 40 cm, ngang 50 cm, dài 90 cm. Nếu chuồng một tầng thì làm hở mặt trên. Đáy chuồng rất quan trọng vì nó tiếp xúc trực tiếp với thỏ. Vì vậy đáy chuồng phải phẳng và nhẵn, không có đầu đinh hoặc vật nhọn nhô lên làm xây xát da thỏ. Đáy lồng phải có khe hở để thoát nước tiểu, thoát phân dễ dàng.
Thỏ có khả năng sinh sản, đẻ dày, mỗi năm 5 – 6 lứa, mỗi lứa 6 – 12 con, thỏ con sinh trưởng nhanh 6 tháng đạt 3,5 – 4 kg/ con. Cho nên, khi nuôi phải chú ý cho chúng ăn thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng để chúng phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù thức ăn chủ yếu của thỏ là các loại rau, củ, quả, cỏ… nhưng muốn thỏ trưởng thành nhanh, cần bổ sung thêm thức ăn có tinh bột, đạm, khoáng, sinh tố hoặc dạng thức ăn tổng hợp giàu dinh dưỡng. Điều quan trọng là phải biết bổ sung các chất dinh dưỡng đó ở thời kỳ nào thích hợp và có hiệu quả cao nhất. Thức ăn xanh phải rửa bằng nước muối, hoặc nước máy trước khi cho thỏ ăn. Thức ăn khô bằng hạt to, cứng nên nghiền ra thành mảnh nhưng không nghiền thành bột.
Các loại cám bộ phải trộn với nước ấm, hoặc nước đun sôi để nguội cho thỏ ăn đỡ rơi vãi. Cần lưu ý đến nhu cầu nước uống của thỏ. Mùa hè thì cần lượng nước gấp nhiều lần so với nhu cầu bính thường. Nhu cầu nước của thỏ còn phụ thuộc vào từng thời kỳ sinh lý khác nhau: thỏ vỗ béo cần 0,2 – 0,5 % l/ ngày; thỏ mang thai 0,5 – 0,6 l/ ngày; khi tiết sữa tối đa 0,8 – 1,5 l/ ngày; khi tiết sữa tối đa: 0,8 – 1,5 l/ ngày. Thiếu nước đối với thỏ nguy hiểm hơn thiếu ăn. Thỏ nhịn khát đến ngày thứ hai là bỏ ăn và gày đi, đến hơn 10 ngày sau là chết.
Khi chọn thỏ để làm giống cần chọn thỏ đực, thỏ cái lớn khỏe mạnh. Thời gian mang thai của thỏ cái trung bình là 30 ngày (có thể chênh lệch vài ba ngày), vì vậy người nuôi phải theo dõi để chuẩn bị cho thỏ đẻ. Việc chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh cho thỏ hết sức quan trọng, phải đúng quy trình kỹ thuật mới cho hiệu quả kinh tế cao.
Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều người thành công trong nuôi thỏ theo phương pháp công nghiệp như “vua thỏ” Lê Hữu Tài, dù đã 70 tuổi.
Nguyễn Hoàng Việt – Kinh tế Nông thôn – Hội làm vườn – Hà Nội – Số 6 (133) – Năm 1999